KỶ NIỆM VỀ ANH - GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN HIỀN

Đăng bởi   Lượt xem:  18318 
  Hien nv
  Giáo sư Nguyễn Văn Hiền

Anh Nguyễn Văn Hiền sinh năm 1943 và lớn lên tại Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp trung học, cuối năm 1960 anh được học bổng của chính phủ sang Paris. Anh theo học đồng thời ngành toán tại Đại học Paris và ngành cầu đường tại Ecole Nationale des Ponts et Chaussées, nhận bằng cử nhân toán năm 1966 và kỹ sư cầu đường năm 1968. Sau đó anh được bổ nhiệm trợ giảng tại Khoa Khoa học, Đại học Clermont. Năm 1972 anh kết hôn với cô bạn người Bỉ du học tại Pháp và chuyển về sống tại Liège, Vương Quốc Bỉ. Lúc này, Đại học Namur đang lập bộ môn mới về Toán ứng dụng và tìm giảng viên. Anh Hiền trở thành trợ giảng và một trong những người chủ chốt đầu tiên của bộ môn. Hàng ngày anh đi tàu hoả hơn 60 km từ Liège đến Namur và làm việc hăng say (cho đến khi về hưu cuối năm 2008).  Anh chịu trách nhiệm lập nhóm nghiên cứu tối ưu và xây dựng chương trình đào tạo hướng này bậc đại học và tiếp theo cả sau đại học. Chính những ngày này, anh Jean-Jacques  Strodiot tham gia nhóm và trở thành cặp đôi khoa học khăng khít cho đến khi anh Hiền qua đời, kể cả trong hợp tác với Việt Nam. Anh Hiền được phong giáo sư (hạng hai) ngay năm 1973, và giáo sư toàn phần (full Professor) năm 1979. Anh cũng được bầu vào nhiều vị trí quan trọng của trường: Trưởng khoa Toán (1982-1991), Hiệu trưởng trường Khoa học (1995-1998), và Uỷ viên Hội đồng Đại học phụ trách nghiên cứu (tương đương Phó Giám đốc Đại học) kiêm chủ tịch Hội đồng Khoa học (2001-2004). Anh được coi là chuyên gia có uy tín toàn cầu về tối ưu hoá và là đồng nghiệp có nhân cách đáng trọng của cộng đồng.

Tôi còn nhớ lần đầu gặp anh ở Tp. Hồ Chí Minh năm 1994, khi tôi mới từ Hà Nội vào được hơn một năm và đang là Trưởng Khoa Toán (từ 1995 Khoa được Bộ Trưởng ký Quyết định đổi tên thành Khoa Toán-Tin học và đào tạo ngành cử nhân Toán-Tin học) còn anh Hiền thì dạt dào tình cảm với quê hương vì về nước lần đầu sau 34 năm xa cách. Mặc dù trước đó tôi chỉ biết tên anh qua mấy bài báo, còn anh thì có lẽ chưa biết tôi, chúng tôi đã trở nên thân thiết ngay và thảo luận sôi nổi về hợp tác của anh với quê hương mà trực tiếp là với khoa tôi. Tôi muốn nhấn mạnh tình cảm của anh trong mọi việc làm.  Khi mới về còn bỡ ngỡ, anh Hiền luôn chú ý nhận ra những khó khăn (khác biệt so với nước ngoài) của giáo viên và sinh viên toán Việt Nam. Thấy sinh viên Khoa tôi đời sống khó khăn, anh nói “nhất định phải xin học bổng cho các em” và các năm sau về anh đã mang được học bổng của Vương Quốc Bỉ cho hàng loạt sinh viên nghèo và học tốt theo danh sách khoa đề xuất. Thấy cả khoa chỉ có vài máy tính anh đã xin tiền của Bỉ trang bị nhiều đợt máy tính và thiết bị tin học. Nhờ đó khoa đã có phòng lab tin học cho giáo viên làm việc và sinh viên thực hành, giảm hẳn số giờ phải đăng ký sử dụng phòng lab chung của trường.  Thấy chúng tôi phải copy và mang cả vali tài liệu từ Bỉ về, anh đã lo được tặng phẩm từ dự án hợp tác gồm gần trăm đầu sách mới, chuyên khảo về toán, nhập về Việt Nam “nguyên đai” từ các nhà xuất bản khoa học danh tiếng cho thư viện trường. (Tôi bàn với anh cả sách và tạp chí, nhưng khi xin tài trợ, phía Bỉ chỉ cho sách vì chúng tôi không thuyết minh được bằng cách nào để khi hết tài trợ của họ chúng tôi vẫn lo được các số tiếp theo của tạp chí.) Anh Ngô Việt Trung kể Viện Toán có phối hợp với anh Hiền và GS Strodiot làm một đề án hợp tác với Bỉ do Bỉ tài trợ. Anh Lê Dũng Mưu cũng kể là thấy NCS Nguyễn Thị Nga, người vùng xa Tuyên Quang, nhà nghèo nhưng rất cố gắng, anh Hiền đã xin được học bổng 2 năm giúp em hoàn thành và bảo vệ tốt luận án.

Anh cùng nhiều đồng nghiệp Bỉ, Pháp, Canada như các Giáo sư Strodiot, Loute, Ferland,… liên tiếp các năm sang dạy bằng tiếng Anh tại khoa chúng tôi, và từ năm 2004, khi trường Đại học Quốc tế (cũng thuộc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) bắt đầu khoá đầu tiên và, với cương vị Hiệu trưởng,  tôi đang vất vả xoay sở để đảm bảo 50% giảng viên là giáo sư nước ngoài chất lượng theo yêu cầu của cấp trên, các anh Hiền và Strodiot cũng về dạy hàng năm liên tục. Một phần nhờ sự hợp tác với anh Hiền mà hướng tối ưu của Khoa Toán Tin-học đã đủ mạnh để trở thành Bộ môn, và những năm sau đã là bộ môn đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu hàng đầu trong ĐHQG-HCM. Nhưng có lẽ đóng góp hiệu quả nhất của anh Hiền là tạo được học bổng cho hơn hai chục nhà toán học Việt Nam (chủ yếu là trẻ) sang Bỉ thực tập, hợp tác nghiên cứu, và tổ chức được 7 trường hè về toán ứng dụng và tối ưu. Các hoạt động nói trên phần lớn là lấy kinh phí từ dự án hợp tác của nhóm anh Hiền với chúng tôi được tài trợ bởi CUD (Commission Universitaire pour le Développement) của Vương quốc Bỉ nhằm phát triển nghiên cứu và đào tạo về tối ưu. Tôi nhớ là các đồng nghiệp sau đây đã sang Bỉ làm việc với nhóm anh Hiền (và cả vài giáo sư ở trường khác): thuộc lớp “kỳ cựu” thì có anh Lê Dũng Mưu, chị Trần Thị Huệ Nương, anh Nguyễn Định, và tôi; lớp trẻ thì nhiều hơn (kể từ Tp. Hồ Chí Minh trước vì tôi là đồng chủ nhiệm với anh Hiền dự án hợp tác CUD nói trên, nên cùng anh sắp xếp số từ miền nam đi, và theo thứ tự thời gian): Thái Quỳnh Phong, Nguyễn Văn Thuỳ, Nguyễn Thế Uy, Huỳnh Quang Vũ, Lê Minh Lưu, Trương Quang Bảo, Nguyên Xuân Hải, Huỳnh Thế Phùng, Trần Thị Huệ, Nguyễn Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Thuỳ Nương, Phạm Thế Bảo, Nguyễn Giang Sơn, Tạ Quang Sơn, Phan Tự Vượng, Nguyễn Thị Phương Đông; từ Hà Nội đi có: Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Bá Minh, Trần Đình Quốc. Trong đó, Nguyễn Thị Thu Vân được sang tiếp 4 năm theo học bổng NCS anh Hiền xin được và đã bảo vệ luận án dưới sự hướng dẫn của các anh Hiền và Strodiot, và Phan Tự Vượng, NCS của bộ môn Tối ưu và Hệ thống, cũng do hai anh hướng dẫn, bảo vệ tại Việt Nam. Bảy trường hè, bắt đầu từ năm 2000 tại Đà Nẵng, tiếp theo là Nha Trang (2 lần), Cần Thơ, Huế, Tp. Hồ Chí Minh, và Hà Nội, đã góp phần đáng kể (cùng hội thảo của anh Hoàng Xuân Phú tại Ba Vì hàng năm) phát triển chuyên ngành tối ưu tại Việt Nam. Khi bàn với tôi về tổ chức hoạt động này anh Hiền rất chú ý mời các bài giảng cô đọng và hệ thống của các giáo sư uy tín dành cho thế hệ trẻ. Đặc biệt hơn là các trường hè tài trợ cả ăn ở và đi lại cho tất cả mọi người. Do các đặc điểm như vậy, sinh hoạt này đã gắn kết mọi người thành “Summer School family” như các giáo sư nước ngoài về tham dự (tự lo vé đi lại đến Việt Nam) thường nói. Anh Hiền cũng có nhiều bài báo chung với tác giả Việt Nam chúng ta.

Những năm gần đây anh Hiền cùng đồng nghiệp Ferland, Strodiot,… tham gia chính thức và rất tích cực vào hoạt động của Viện Khoa học Công nghệ Tính toán Tp. Hồ Chí Minh.

 

Hien nv LuuPhD

 

Tạp chí Acta Mathematica Vietnamica đã có số đặc biệt năm 2009 nhân dịp anh Hiền tròn 65 tuổi. Anh (cùng anh Strodiot) đã được Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, Bằng khen của Giám đốc ĐHQG-HCM, Giấy khen của Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế về những đóng góp của mình. Truyền thông Bỉ đã làm video clip “Visas pour le Vietnam” giới thiệu về hợp tác của anh Hiền với Việt Nam quay tại Tp. Hồ Chí Minh và Bỉ, và một bài trên báo về hợp tác này. Có thể còn có các vinh danh khác mà tôi chưa biết.

Nhân đây tôi xin cảm ơn các giáo sư Phùng Hồ Hải, Lê Tuấn Hoa, Lê Dũng Mưu, Hoàng Xuân Phú, Phạm Hữu Sách, Ngô Việt Trung, và Nguyên Đông Yên đã cung cấp tư liệu và góp ý để tôi hoàn thiện bài viết.

 

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30/12/2016

Phan Quốc Khánh